NHỮNG ĐIỂM CẦN CHÚ Ý TỪ BÁO CÁO VỀ TRIỂN VỌNG THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU NĂM 2025 DO TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO) CÔNG BỐ
Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ. Hồ Quang Trung, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, nguyên Vụ trưởng Vụ QHQT, Bộ Công Thương
Biên tập viên: Hồng Anh
Ngày 16 tháng 4 năm 2025, Ban Thư ký của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức công bố báo cáo định kỳ về tình hình và triển vọng thương mại toàn cầu năm 2025. Báo cáo cho thấy thương mại toàn cầu có thể đối mặt với những suy giảm đáng lo ngại sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024. Vậy báo cáo này cần lưu ý những điểm gì và doanh nghiệp cần phải làm gì? Hãy cùng theo dõi trong bài viết này nhé!
Những điểm cần lưu ý trong báo cáo về triển vọng thương mại toàn cầu năm 2025
1. Những điểm cần lưu ý
Thứ nhất, tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm 2025 dự kiến chỉ còn 0,2%, sụt mạnh so với mức 2,9% trong năm 2024. Mức sụt giảm này càng đáng chú ý khi so với dự báo cuối năm 2024 đã đặt kỳ vọng tăng 3,3%. WTO cho biết nguyên nhân chính là do sự leo thang các biện pháp thuế quan, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng gần đây của Hoa Kỳ và mức độ bất định gia tăng trong chính sách thương mại quốc tế.
Thứ hai, nếu Hoa Kỳ quyết định khôi phục các mức thuế đối ứng cao hiện đang tạm hoãn trong vòng 90 ngày, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể tiếp tục giảm 0,6 điểm phần trăm, xuống còn -0,4%. Nếu tính bất định tiếp tục lan sang lĩnh vực đầu tư và sản xuất, mức giảm tăng trưởng tương ứng có thể là -1,2% và -1,5% trong năm nay.
=> Xem thêm: Thuế đối ứng của Hoa Kỳ
Thứ ba, các biện pháp bảo hộ thông qua các rào cản thuế quan và phi thuế quan ngày càng gia tăng. Kể từ đầu năm 2025, một loạt các mức thuế mới đã được áp dụng hoặc công bố, tạo ra cú sốc chính sách. Việc áp dụng các loại thuế quan trên diện rộng đã làm gia tăng chi phí giao thương, giảm nhu cầu quốc tế và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ tư, bất định chính sách thương mại (trade policy uncertainty – TPU) đang trở thành vấn đề rủi ro có tính hệ thống với thương mại quốc tế. TPU làm suy yếu lòng tin của doanh nghiệp, khiến các nhà đầu tư và nhà xuất khẩu trì hoãn quyết định sản xuất, đầu tư hoặc ký kết hợp đồng thương mại. Theo WTO, TPU hoạt động như một loại “chi phí vô hình” làm tăng rủi ro và giảm động lực mở rộng thương mại, đặc biệt ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
BÁO CÁO VỀ TRIỂN VỌNG THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU NĂM 2025
Thứ năm, sự tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu do xu hướng “friend-shoring” – tức là chuyển dịch thương mại và đầu tư sang các quốc gia đang làm xói mòn hiệu quả phân bổ nguồn lực toàn cầu. Báo cáo của WTO lưu ý rằng kể từ xung đột tại Ukraine, thương mại giữa các khối quốc gia có lập trường chính trị khác nhau chỉ tăng 1% mỗi năm, trong khi thương mại trong nội bộ các khối lại tăng nhanh hơn, đạt gần 4%.
Thứ sáu, sự chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc do căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ leo thang. Các biện pháp thuế quan cao hơn áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc đang buộc các doanh nghiệp nước này phải tìm cách chuyển luồng xuất khẩu sang các thị trường ngoài Bắc Mỹ. Theo phân tích trong báo cáo, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng từ 4% đến 9% tại tất cả các khu vực ngoài Bắc Mỹ. Sự chuyển hướng này đang tạo ra những hiệu ứng lan tỏa đáng kể đến các thị trường thứ ba, khi Trung Quốc đẩy mạnh cạnh tranh ở các khu vực như châu Âu, châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh để bù đắp phần thị phần bị mất tại thị trường Hoa Kỳ. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà xuất khẩu của các nước đang phát triển.
Thứ bảy, tác động lan tỏa của suy giảm thương mại hàng hóa đến thương mại dịch vụ. Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan, thương mại dịch vụ – đặc biệt là các ngành vận tải, logistics, du lịch, tài chính và công nghệ số – đang chịu tác động tiêu cực do thương mại hàng hóa sụt giảm. Dự báo cho thấy tăng trưởng thương mại dịch vụ toàn cầu trong năm 2025 chỉ đạt 4,0%, thấp hơn nhiều so với mức tiềm năng 5,1% nếu môi trường chính sách thuận lợi hơn. Các ngành dịch vụ có tính chất co giãn cung cầu cao, như du lịch quốc tế và dịch vụ số, đặc biệt dễ tổn thương trước biến động kinh tế vĩ mô và chính sách.
2. Doanh nghiệp cần phải làm gì?
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang gặp những trở ngại và khó đoán định, xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng, sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng mạnh mẽ và phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp cần chú ý một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, xem xét điều chỉnh hoặc xây dựng lại Kế hoạch và chiến lược kinh doanh, trước mắt cho năm 2025. Với những diến biến liên tục thay đổi và khó đoán định như hiện nay, việc lên Kế hoạch và chiến lược dài hơi cho các năm tiếp theo là rất khó khăn.
Thứ hai, dù bối cảnh thế giới khó đoán định gây khó khăn cho việc lập Kế hoạch và chiến lược dài hạn nhưng một điểm gần như chắc chắn mà doanh nghiệp nào cũng phải quan tâm đó là phải củng cố nội lực, tập trung vào thế mạnh của mình, hạn chế việc mở rộng sang các lĩnh vực ngoài thế mạnh, rủi ro cao với hoạt động kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp.
Thứ ba, cần thay đổi tư duy, cần đa dạng hóa thị trường tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt cần chú trọng tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA, CPTPP để tiếp cận nhanh hơn, mạnh hơn, nhiều hơn vào các thị trường còn rất tiềm năng và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam như EU, Vương quốc Anh, Canada, Mexico…
Thứ tư, cần xây dựng các bước đi bài bản, chi tiết để tận dụng các FTA, tiếp cận các thị trường nói trên. Cần nêu rõ cụ thể cần làm gì, thời gian như thế nào, doanh nghiệp phải trực tiếp làm gì, các cơ quan quản lý nhà nước có thể hỗ trợ được gì v.v. Có như vậy thì việc tiếp cận mới đi vào thực chất và huy động được sức mạnh của cả hệ thống, không chỉ sức mạnh nội tại của doanh nghiệp mà của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thứ năm, cần tăng cường sự kết nối, hợp tác với nhau thay vì cạnh tranh không lành mạnh. Một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là thiếu sự kết nối mạnh mẽ, điều này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình đàm phán, thương lượng với các đối tác nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay, hợp tác và liên kết là sức mạnh. Các doanh nghiệp cần hết sức chú ý đến các cơ chế kết nối hiện có thông qua các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và đặc biệt là Hệ sinh thái tận dụng FTA đang được Bộ Công Thương xây dựng.