TGĐ KTPC tham gia trình bày tại toạ đàm “Tối đa hoá cơ hội xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc thông qua các Hiệp định Thương mại tự do”
Vào ngày 6/9/2023, Ông Phạm Đình Thưởng – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTPC đã tham gia chương trình tọa đàm hướng đến tối đa hóa cơ hội thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
Sự kiện này được tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Công thương và có sự góp mặt của các đại diện cấp cao từ Bộ Công thương, Đại sứ quán Úc và Tổng lãnh sự quán Úc, Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam (AusCham), các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, và phía chuyên gia tư vấn trong đó có các chuyên gia đến từ KTPC.
Buổi tọa đàm là cơ hội để các bên chia sẻ kinh nghiệm và thách thức trong quá trình thực thi thương mại song phương, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và chính phủ hai nước, và nhất là tiếp cận được những đánh giá của các chuyên gia tư vấn để tìm cơ hội kết nối thị trường giữa hai nước.
Tại buổi tọa đàm, Ông Phạm Đình Thưởng cho biết, xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới liên tục tăng trưởng từ trước khi có các FTA. Sau khi các FTA được ký kết và đi vào thực thi thì tốc độ tăng trưởng càng mạnh hơn. Tuy nhiên, với thị trường Australia thì tốc độ tăng trưởng có phần chậm hơn.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Thưởng cho biết, để xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe. Tuy nhiên, hiện nay sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam đến các tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước còn hạn chế. Đặc biệt, với các FTA thế hệ mới như CPTPP thì lao động và môi trường là những tiêu chuẩn quan trọng, song doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa quan tâm nhiều. Bên cạnh đó, để tận dụng được cơ hội ưu đãi từ các FTA thế hệ mới, hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ. Thế nhưng nguồn nguyên liệu với nhiều mặt hàng sản xuất công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được, điển hình như mặt hàng dệt may, da giày…
Theo ông Thưởng, để tận dụng được cơ hội, các doanh nghiệp cần quan tâm đến các tiêu chuẩn, bao bì sản phẩm, cải thiện về quy trình sản xuất, đáp ứng các cái tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu… Đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững. Hiện nay xanh hóa, số hóa, sạch… là xu hướng, tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp chưa chú trọng về môi trường, lao động và đã nhận hậu quả. Điển hình như may mặc, thủy sản. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác để giảm chi phí, đáp ứng quy tắc xuất xứ. Việc tận dụng nhiều kênh thông tin bao gồm kênh thông tin của Chính phủ và các công ty tư vấn như KTPC cũng là một cách hiệu quả giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích từ FTA.